Skip to content
01/12/2013 / Ngo's blog

Chuyện Người – Chuyện Chó

Image

Thi thoảng, người ta lại giật mình trước thông tin, trộm chó bị đánh chết, trộm chó bị đốt xe hay trộm chó bắn chết người truy đuổi, trộm chó chém người…Trộm nào thì cũng được xếp vào dạng người không lương thiện. Thế nhưng, trộm chó là loại trộm bị đám đông miệt thị nặng nề nhất.

Cao trào là vào sáng ngày 10-6, người dân xóm 3 xã Tân Thành huyện Yên Thành, Nghệ An đã “tẩn” một kẻ trộm chó đến bất tỉnh nhân sự. Sau đó, họ tiếp tục chặn xe của lực lượng công an lẫn bệnh viện ngăn không cho lực lượng này đưa đối tượng trộm chó đi cấp cứu. Kết quả, một đối tượng trộm chó đã tử vong.

CHUYỆN NGƯỜI

Theo thông tin thì sáng ngày 10 – 6 – 2013, hai anh em ruột (anh sinh năm 1986, em sinh năm 1989) mò sang xã Tân Thành, huyện Yên Thành trộm chó. Bị chủ nhà phát hiện và tri hô, một trong hai đối tượng đã rút đao thủ sẵn trong người chém chủ nhà để tìm đường đào thoát. Thế nhưng, những người dân sinh sống gần đấy đã nghe tiếng tri hô, ùn ùn vây kín mọi nẻo đường, nhanh chóng tóm được hai đối tượng này và… đánh cả hai trọng thương, chiếc xe máy bị trốt cháy trơ khung.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường vụ “tự xử trộm chó” để thuyết phục đám đông nhằm có thể đưa hai đối tượng trộm chó đi cấp cứu. Tuy nhiên, hàng nghìn người dân đã chặn đầu xe cấp cứu, yêu cầu gia đình hai đối tượng phải xuất hiện để bồi thường 20 triệu đồng cho người bị chém. Sau gần 4 giờ đồng hồ thương thuyết với đám đông, lực lượng chức năng mới có thể đưa hai đối tượng đến trung tâm y tế. Đáng tiếc, lúc này một đối tượng đã tử vong do mất máu.

Chi tiết ám ảnh, khi người thân của hai đối tượng đến nơi, xin đám đông cho họ được mang thi thể của cậu con trai đã tử vong về nhà mai táng. Người phụ nữ là chủ con chó bị trộm hụt, vẫn yêu cầu họ phải chung đủ 20 triệu mới cho đưa thi thể đối tượng bị đánh chết đi. Không có tiền, họ phải viết giấy cam đoan, chấp nhận để chiếc xe máy lại cho người phụ nữ giữ làm tin.

Đây không phải là lần đầu tiên một đối tượng trộm chó bị đánh chết. Bởi trước đây, đã từng xảy ra những trường hợp đối tượng trộm chó bị đánh chết rồi đốt xác ngay bên cạnh chiếc xe máy là phương tiện dùng để đi trộm chó cũng bị người dân bức xúc đốt cháy trụi. Còn những đối tượng bị đánh đến máu tuôn đỏ người, bất tỉnh nhân sự, hay rúm ró sợ hãi… thì nhiều không thể kể hết.

Thời đại thông tin phát triển, hầu như những vụ người dân tự xử đối tượng trộm chó đều được quay phim lại bằng điện thoại di động và tung lên mạng internet. Những thước phim rất khủng khiếp.

Không chỉ có trộm chó bị người dân đánh chết, mà những đối tượng này cũng đã từng đánh chết người dân. Cuối tháng 5 – 2013, một đối tượng trộm chó bắn chết người vừa bị tuyên án tử hình. Bị người dân truy đuổi, hành hung.. các đối tượng trộm chó cũng nghĩ ra những phương thức để tấn công lại người dân trên đường truy đuổi. Những đối tượng này dùng mã tấu tự chế, kiếm, súng bắn tên, ớt bột… gậy gộc để chống trả.

Vừa bị mất chó, vừa bị tấn công ngược… cơn kích động nhất thời lại càng có cơ hội để gia tăng nhiệt độ. Một khi đám đông đã gia tăng nhiệt độ kích động thì không chuyện gì lại không thể xảy ra. Điều đáng buồn là trong những vụ việc tôi tham khảo, những đối tượng trộm chó đa phần đều có tuổi đời còn rất trẻ, toàn thanh niên. Cá biệt, có ông chủ quán thịt chó ở Bình Dương, nuôi cả một đội quân để chuyên đi trộm chó.

Vài năm trước, có đội quân trộm chó chuyên nghiệp đến mức, sâm sẩm tối là mướn xe du lịch loại 16 chỗ ngồi, chạy từ TP.HCM ra đến TP Phan Thiết (Bình Thuận), trên đường di chuyển cứ gặp con chó nào là “quất” con chó ấy. Trong một đêm, đội quân bắt chó trộm này có thể câu cả trăm con chó của những hộ dân ven đường, tiền bán chó hàng chục triệu đồng. Để tiện cho việc trộm chó, “công nghệ trộm chó” ngày càng được những đối tượng này “hoàn thiện” dần. Ban đầu là đánh bả, rồi đến xài thòng lọng, phát triện lên đến súng kích điện. Súng kích điện như loại súng bắn tên, khi con chó bị bắn trúng, đối tượng trộm chó kích điện khiến con chó bị tê liệt.

Bên cạnh đó, trộm chó là hành vi trộm cắp tài sản nhưng hầu hết những con chó bị trộm có giá dưới 2 triệu đồng. Vì thế khi người dân giao đối tượng cho công an phường, xã thì công an cũng chỉ có thể xử lý hành chính bởi luật quy định trộm trên 2 triệu đồng mới cấu thành tội và bị xử lý hình sự. Đây là một thực tế do pháp luật quy định. Hơn nữa, việc tiêu thụ “tài sản trộm cắp” rất thuận tiện. Bất cứ quán thịt chó nào cũng có nhu cầu tiêu thụ loại “tài sản” có nguồn gốc bất minh này.

Cứ vậy, cuộc chiến giữa người và người xoay quanh con chó không có hồi kết. Trộm chó cứ trộm chó, bị phát hiện cứ chống trả, còn người dân túm được “ thằng trộm chó nào thì tự xử cứ xử’.

Một dạng trộm chó (chính xác là cướp) khác cũng gây bức xúc nhưng mức độ nhẹ nhàng hơn, đó là trộm chó cảnh thường xảy ra trong khu vực TP.HCM. Những con chó cảnh đắt tiền được chủ cưng như cưng trứng, đi tập thể dục cũng dẫn theo, đi dạo cũng ẵm theo… Đối tượng cướp chó chạy xe máy vù sang, nẫng con chó gọn bâng. Chủ chó muốn tìm lại chó, cứ ra khu vực bán chó mà chuộc lại.

CHUYỆN CHÓ

Người Việt rất mâu thuẫn, đa phần người Việt thích ăn thịt chó trong lúc hầu như người Việt nào cũng có ký ức tốt về chó. Những cậu nhóc được gọi tên thân mật là “Chó”, là “Cún”… Những con chó được xem như là thành viên trong gia đình, không hề có sự phân biệt. Tình cảm của người nuôi chó là một tình cảm thật, rất thật. Chính vì vậy, khi một gia đình bị mất trộm chó, đó không chỉ đơn thuần là một vụ mất cắp tài sản. Mà là sự tiếc nuối, thương xót vì mất đi một thành viên trong gia đình. Từ tình cảm này chính là căn nguyên của cơn giận dữ lúc túm được kẻ trộm chó nào đó.

Ngày tôi còn nhỏ, ông ngoại có nuôi con chó đốm, loại chó ta. Con đốm khôn vô cùng. Ông ngoại mất, đốm nằm dưới cỗ áo quan, mắt ngần ngận nước. Đưa ông ngoại ra nghĩa địa, đốm theo đoàn người, phủ phục bên cạnh mộ. Đốm bỏ ăn từ đó… Vài ngày sau, đốm chết cả nhà thương tiếc không thôi. Cho đến tận giờ, vẫn còn nhắc lại. Chó đối với chủ nghĩa là vậy, sao không thương. Tôi từ phố về quê chơi cuối tuần, ít lâu trước, chứng kiến cảnh con Đen bị những kẻ trộm chó đánh bả. Con Đen nằm thở hốc, sùi bọt mép, mềm oặt. Đổ nước ngọt vào miệng, đổ cả đậu xanh nhai nhuyễn vào.. cũng không cứu được. Con Đen chết, buồn ghê gớm. Trước nuôi chó để trông nhà cho chủ, nay chủ vừa nuôi chó vừa phải trông chó. Nuôi con chó từ bé cho đến lớn, tình cảm nảy sinh ngày này qua ngày khác. Bất thần, một sáng thức dậy, một chiều đi về,  không thấy cái vẫy đuôi quen thuộc, không được cảm nhận cái mõm ướt cạ vào chân, không nghe tiếng sủa mừng chủ… hỏi ai mà không xót, hỏi ai mà không giận. Các đối tượng trộm chó, biết rõ điều này chứ. Nhưng, họ vẫn cứ làm. Trộm chó, cũng có thể được xem là một cách “đánh đu với mạng sống”.

Thế nhưng, trong một xã hội thượng tôn pháp luật, rất khó để chấp nhận những hành vi tự phát, mà những hành vi đó lại uy hiếp đến sinh mạng của người khác vì bất cứ lý do gì. Đối tượng trộm chó có bị căm ghét, có gây nên hành động tạo sự phẫn nộ, có vô lương tâm, có bất nhẫn, có tàn ác.. Có gì gì đó đi chăng nữa, thì họ cũng là một con người.

Tôi không có ý cho rằng, con người quý trọng hơn con chó. Vì như thuyết nhà Phật, “Chúng sinh đều bình đẳng”. Hơn nữa, tình cảm của cá nhân là điều rất vi diệu, không thể lấy tình cảm của mình để xét tình cảm của người. Trong bài viết khá lâu trước của mình có tựa “Chuyện nhặt vỉa hè” (in trên Chuyên đề ANTG Tuần) tôi có kể lại câu chuyện của chị Vân, người phụ nữ cưu mang hàng chục con chó hoang bị chủ vứt bỏ, ghẻ lở, bệnh tật… Chị không có chồng, người thân cũng từ chối chị vì “người bao giờ cũng ám mùi chó”. Nhưng có sao đâu, chị vẫn vui sống bên cạnh bầy chó của mình. Cả ngày, chị quần quật lo cho bầy chó bằng số tiền ít ỏi từ việc nhặt phế liệu mang đi bán cho mấy vựa ve chai. Bởi, chị yêu thương chúng rất thật lòng. Về sau, có những người phụ nữ tốt bụng khác, khi thì cho chị ít tiền mua thức ăn cho chó, khi thì cung cấp cho đàn chó chị một ít thực phẩm. Trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, có người phụ nữ bán thuốc lá lẻ. Chị không có nhà, chị lấy vỉa hè làm nơi cư ngụ. Chị nuôi 3 con chó ta. Mỗi lúc mưa, chị căng bạt ny-lông làm chỗ ráo che cho chó lẫn chị. Những gì thuộc về tình cảm cá nhân, chúng ta không nên bàn cãi quá nhiều, nếu như tình cảm ấy không tạo nên những sự biến thái về văn hóa, chuẩn mực đời sống.

Những đối tượng trộm chó, họ cũng có gia đình, có người thân… Thậm chí, họ đã làm chồng, làm cha.. Họ trộm những con chó là thành viên trong gia đình người khác, quẳng chúng vào các quán thịt chó để biến thành một món ăn khoái khẩu, họ tấn công (họ sát hại cả chủ chó), họ đã làm điều ác. Họ sai về hành vi, họ không đúng về mặt nhận thức… Nhưng, tước đi mạng sống của họ vì sự bực tức nhất thời, cũng có thể gọi là “Tội ác”. Nghĩa là, “cái ác này đã khiến cái ác khác nảy sinh, và cho chúng cơ hội để đối chọi với nhau”. Chúng ta không thể lấy cái ác để chống lại cái ác. (Tôi rất xin lỗi những gia đình có người thân đã bị những đối tượng trộm chó gây tử vong, nếu quan điểm này không phù hợp với sự mất mát quá lớn lao).

Họ bị tước đoạt mạng sống, nỗi đau họ nhận lãnh là điều hiển nhiên. Và, nỗi đau này không chỉ mình họ gánh chịu, mà những người thân của họ cũng phải chấp thuận một cách đầy bị động. Làm sao cuộc sống tốt đẹp hơn khi mà chúng ta xoa dịu nỗi đau của chính mình bằng cách tạo nên một nỗi đau cho người khác.

Tôi không có ý định tranh luận với bạn đọc về câu chuyện tôi lấy làm cái kết cho bài viết này. Cậu bé mới vừa 7 tuổi, Nguyễn Đức Phúc ngụ tại An Hòa, xã Hóa An, TP Biên Hòa (Tỉnh Đồng Nai), một trưa ngày 11-6-2013 được bà sai cùng người em họ là Trương Hoàng Kim Ngân (cũng 7 tuổi như Phúc) đi ra tiệm quầy thuốc tây đường mua thuốc hạ sốt cho em. Trên đường đi ngang cái giếng hoang nhà hàng xóm, Đức thấy một cậu em họ khác đang cùng trẻ con trom xóm bắt cá tại cái giếng này. Cậu em họ ở phố, nghỉ hè nên về quê chơi, cậu em họ rủ Đức và Ngân bắt cá chung. Trẻ con mê chơi, nên Đức đồng ý. Trong lúc mấy anh em đang bắt cá, vô tình cậu em họ bị trượt chân rơi xuống giếng.

Ngay lập tức, Đức nhào xuống giếng để cứu em. Bé bỏng của tôi vừa 7 tuổi, thì có thể làm thay đổi điều không may như thế nào đây. Đứng trên miệng giếng, thấy cả Đức và cậu em họ đều chìm dần, Kim Ngân hoàng sợ chạy đi cầu cứu người lớn. Đến khi người lớn đến nơi, thì Đức đã tử vong do đuối nuối. Cậu em họ được đưa đến bệnh viện để cấp cứu, đang lâm vào trình trạng hôn mê sâu, rất khó tiên lượng.

Đức bỏ mình để cứu cậu em họ, Đức hoàn toàn không nghĩ gì đến bản thân.. Bởi, bên trong Đức đầy thiện tâm. Hay như em Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An, quên mình trong lúc cứu 4 em nhỏ trong nước lũ. 4 em nhỏ được an toàn, riêng Nam đã nằm lại mãi mãi. Đức và Nam, khiến cho mọi người còn có thêm niềm tin vào cuộc sống vốn dĩ đầy bấc trắc, rủi may như gió thoảng.

Trẻ con còn biết cách hành xử vậy, tại sao người lớn chúng ta lại không học được cách tự soi mình.

KINH HỮU