Skip to content
04/12/2013 / Ngo's blog

Danh Hài Duy Phương.

( Lưu ý với đồng nghiệp: các bạn có thể lấy ý từ bài viết của mình, câu chữ của mình.. Nhưng đừng đấy nguyên đoạn, rồi đảo trước thành sau, sau thành trước, nhé! Mình không thích điều này. Bởi, trang này mình đưa bài lên để bạn đọc gần xa đọc cho vui thôi, mình không muốn có độc giả hiểu nhầm).

Thân,

N.K.L

                                            DANH HÀI DUY PHƯƠNG –  MỘT TRƯA NGỒI LẠI(!)              

Image

          Ngày xa lắc, thưở bé ở quê, tôi đã xem nghệ sĩ Duy Phương diễn hài thông qua chương trình Trong nhà Ngoài phố của Đài truyền hình TP.HCM (HTV). Anh có khuôn mặt tếu, rất tếu. Tếu đến độ anh không cần diễn, chỉ cần nhíu mày hay trề môi là đủ khiến khán giả bật cười.

          Lâu trước, đã muốn ngồi với anh để nói chuyện này chuyện kia. Nhưng cảm giác là anh ngại truyền thông. Tự dưng cảm giác vậy thôi, bởi một dạo, anh bị truyền thông đánh cho tơi tả. Đánh đến độ, nói như anh trưa nay thì, “ Anh không còn gì để mất”.

          Ngẫm đời, rủi rủi may may, chớp mắt đã là khoảnh khắc khác, biết thế nào mà lần.

  1. Mười bốn tuổi, Duy Phương mê ánh đèn sân khấu. Sài Gòn trong anh thời điểm đó, là những tối canh me ngoài rạp hát trên đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) để xin đi ké vào nghe hát. Ké bằng cách nào, đơn giản thôi, thấy ai ăn mặc sang trọng thì đến xin “ Cô chú cho con vào coi ké với”. Coi hết đêm này đến đêm khác, coi đến lúc bố anh nọc ra đánh cho bầm lưng vì cái tội, “Học hành không lo, suốt ngày hát hò”. Cao trào của sự ngăn chặn, là khi ông ra điều kiện “ Thôi, từ nay nếu con còn trốn nhà đi coi hát, thì đêm đó cứ ngủ vỉa hè”. Vậy là, Duy Phương ngủ vỉa hè thật để được vào rạp xem đào kép vung tay. Trời không chịu đất thì thôi đất chịu trời, có cha mẹ nào mà ngăn cản con được mãi. Anh bắt đầu được cho theo nghề.

“ Hồi đó khổ, em biết không? Anh theo đoàn ra miền Trung hát. Phải vay tiền ngoài để có cái mà trang trải đời sống. Mỗi đêm diễn được 200 đồng, thì góp nợ hết 180 đồng rồi. Còn lại 20 đồng, đủ mua bánh khọt ăn. Ăn suốt nhiều tháng liền vậy”, anh kể. Bánh khọt là loại bánh tròn nhỏ làm bằng bột gạo, ăn kèm với nước mắm, nước cá kho… tùy khẩu vị.

Rong ruổi mãi về lại Sài Gòn, anh đăng ký vào lớp học thanh nhạc của nghệ sĩ Tùng Lâm, quyết định rẽ theo tân nhạc. Đang học ở nhà nghệ sĩ Tùng Lâm, thì ông bầu Duy Ngọc đột ngột xuất hiện, phán “ Ê, Phương. Mày hát tân nhạc được đó. Đi theo anh không?”. Đương nhiên, là anh theo ông bầu Duy Ngọc. Anh còn trẻ và đang dư thời gian để tham gia vào cuộc chơi mà mình yêu thích. Ông bầu Duy Ngọc rủ anh đêm trước, thì đêm sau, trên băng-rôn quảng cáo đã thấy dòng chữ quảng cáo anh lên đến mây, “ Giọng ca vàng 1972 – Duy Phương”.

Duy Phương để tóc dài, mặc áo kiểu ngôi sao Hồng Công Lý Tiểu Long, hát nhạc bốc, hát nhạc xưa, hát đủ thể loại. Cặp kè khi nào cũng là hai em xinh đẹp, múa may cuồng nhiệt… Phút chốc mà Duy Phương nổi.

Ông bầu đưa anh về Vĩnh Long diễn, thời đó danh ca Hùng Cường còn đang làm mưa làm gió với ca khúc “Say”. Trẻ con sợ gì thần thánh, đêm Duy Phương nhào lên sân khấu, hát “Say” mà cứ như… say. Khán giả phấn khích, đập tay vỗ ghế ầm ào như chợ vỡ. Hùng Cường giận, đón xe đò về ngay trong đêm. Sau suất diễn, ông bầu Duy Ngọc gọi Duy Phương lại, nói “Về Sài Gòn, tao dắt mày qua xin lỗi Hùng Cường”. Duy Phương, gật đầu. “Anh qua nhà anh Hùng Cường, anh chắp tay thưa “ Anh hai, em mãi vui. Em xin lỗi anh hai”, ảnh cũng nhẹ nhàng bỏ qua cho anh thôi”, Duy Phương kể vậy.

“ Anh nổi tiếng vậy, chắc chuyện yêu đương cũng vui hả anh?”, tôi hỏi. “Đâu có em, mấy cô thích mình chỉ đứng đằng xa chỉ mình rồi tủm tỉm cười thôi. Anh cũng nhát gái”, anh trả lời. Bảo nhát gái là nhát gái, bảo không nhát gái là không nhát gái, đàn ông thường vậy tranh luận làm gì.

Đất nước thống nhất, nghệ sĩ Sài Gòn đi vào hoạt động quy cũ, không còn tình trạng láo nháo như trước nữa. Duy Phương về đoàn Bông Hồng của đạo diễn Minh Trị. Từ đó, anh rẽ sang diễn hài, tỉnh queo như cái độ anh trở thành ngôi sao tân nhạc. “ Anh Minh Trị tìm nghệ sĩ hài để diễn vở Cô gái lái xe, tìm hoài không thấy đâu. Ảnh hoài tùm lum hết, rồi anh Thanh Việt chỉ qua anh. Ảnh hỏi, “Chơi được không mày”. Anh trả lời “Dạ, được chứ”. Vậy là chơi luôn”, Duy Phương nói. Vai diễn của Duy Phương duyên đến mức, vé của vở diễn luôn được bán sạch trước cả tuần, mà không chỉ là một tuần duy nhất.

  1. Đang có tên ở trong này, Duy Phương quyết định lưu diễn phía Bắc. Anh là một trong những nghệ sĩ hài đầu tiên của miền Nam hang hài kịch ra miền Bắc. Kết hợp cùng ca sĩ Ngọc Tân, anh tung hoành khắp các tỉnh miền Bắc, từ Hải Phòng cho đến Hà Nội, rồi Quảng Ninh, Nam Định… Mỗi ngày diễn 4 suất, diễn đêm sau thì hôm trước đã bán hết vé, tiền vô như nước. “Đã lắm em, đã lắm. Chưa khi nào làm nghệ thuật mà đã đến vậy”, Duy Phương hồi tưởng. Có lần, ông khán giả gặp Duy Phương ngoài phố, túm lấy vai, bảo “ Tôi xem ông đến lần thứ… 43 rồi đấy. Mà vẫn thích”. Duy Phương làm bầu mát tay, làm nghề còn mát tay hơn bạo. Anh cùng danh hài Bảo Quốc lập nhóm tấu hài, khuynh đảo cả sân khấu kịch nghệ tại Sài Gòn. Đêm nào cũng diễn hàng chục suất, thu băng cassette liên tục… Đó là thời, Duy Phương muốn gì được nấy.

Phúc họa liền nhau, đang ở trên đỉnh cao của danh vọng, Duy Phương bỗng chốc bị đạp xuống tận đáy. Đó không chỉ đơn giản là một biến cố cùa đời người, mà đó là nỗi đớn đau cùng cực của một người nổi tiếng. Đang sở hữu mọi thứ, chỉ một thời gian cực ngắn, Duy Phương phút chốc tay trắng.

“ Hồi đó, thằng Duy Phước mới 3 tuổi, còn Duy Lộc mới đầy năm. Anh nhìn con mà nước mắt cứ ứa ra. Không có hai đứa nó, anh chết rồi. Đêm, anh ẵm con, buồn hắt buồn hiu. Hận một nỗi, anh không biết anh đã làm sai những gì để bị đối xử như vậy”, anh trả lời cho câu hỏi của tôi “Biến cố đến với anh ra sao?”.

Thương sẽ không ai tìm được lời giải cho câu tự vấn “ Tôi đã làm gì để bị đối xử như vậy?’. Trót làm người, bi kịch luôn rập rình sẵn xung quanh, chỉ cần đợi một cơ hội, tránh cũng không được, né cũng không được. Người khôn biết đứng dậy mà đi sau lần vấp ngã, người biết mỉm cười mà đón nhận. Còn người không khôn không biết, thì nằm lại mãi mãi.

  1. “ Anh muốn bỏ nghề, mà bỏ nghề thì lấy gì nuôi con. Nên anh lại đi diễn. Em biết không, cảm giác đi diễn lại khủng khiếp lắm. Anh lên sân khấu, trái những tràng pháo tay, sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả trước đây, giờ chỉ còn lại sự lạnh nhạt. “ Anh đứng trên sàn diễn, nhìn xuống thấy khán giả chỉ quay nhìn nhau, xầm xì bàn tán về chuyện riêng tư của anh. Giá mà anh được khóc liền ngay tại đó, nhưng anh phải diễn. Anh là diễn viên hài mà, anh khóc còn ra thể thống gì nữa. Buồn lắm, buồn vô hạn, em ạ”, Duy Phương kể vậy.

Anh bắt đầu lại, từng chút một. Của mất đi còn lấy lại nhanh hơn là danh đã mất, Duy Phương hiểu rất rõ điều này. “ Giờ thì ổn rồi, em ạ. Khán giả đã chấp nhận anh lại”, Duy Phương chợt hồ hởi. Thật ra, khán giả đã chấp nhận Duy Phương lại từ rất lâu, vì có chuyện buồn nào mà thời gian lại không thể xóa nhòa được. Cậu con trai đầu của anh là Duy Phước cũng theo nghiệp diễn, hưởng cái gen của anh nên diễn rất duyên. Một thời gian rất dài, Duy Phước còn đình đám với những ca khúc của Ngọc Sơn. Phước đóng vài phim truyền hình, phim nào cũng để lại ấn tượng tốt… Lê Lộc, cô con gái của anh cũng bắt đầu tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả tại sân khấu kịch của nghệ sĩ Hồng Vân. “Mấy đứa con anh hay lắm, đi theo anh coi anh diễn riết rồi đâm ra ghiền sân khấu luôn. Hồi anh diễn ở Hà Nội, mang Duy Phước theo. Nửa chừng, bạn diễn có việc gấp phải về Sài Gòn, mà chương trình đã bán vé trước. Anh với ông bầu đều hoảng, anh hỏi Duy Phước, “Phước ơi, con thuộc đoạn thoại của chú diễn cùng ba không”. Duy Phước đáp chắc, “Dạ, thuộc chứ”. Anh hỏi tiếp, “Con làm giống vậy được không”. “Được 100%, ba yên tâm”. Vậy là đêm đó anh với Duy Phước diễn, khán giả coi xong khoái quá trời. Từ đêm đó, Duy Phước thành bạn diễn của anh luôn. Đúng là cái số”, anh kết luận.

Hôm rồi tôi đi công tác, nằm trong phòng khách sạn, coi tivi thấy Duy Phương thủ vai chính trong bộ phim truyền hình dài tập “Tay chơi miệt vườn”, anh diễn vẫn rất cà-tửng, chất xưa vẫn còn vẹn nguyên.

Cuộc trò chuyện giữa anh và tôi còn nhiều chi tiết khác, mà có lẽ chỉ kể bấy nhiêu cảm thấy đã đủ đầy. Trước khi chia tay, hỏi anh “ Thôi, vậy cũng là trọn vẹn rồi, anh ạ”. “ Ừ, anh biết chứ. Có điều, anh không tiện tâm sự với em. Mắc công người ta lại bảo anh thế này thế khác, được voi đòi tiên”, anh trả lời.

Tôi không hỏi thêm, nhưng tôi biết cái điều anh tính nói. Bấy lâu, giới nghệ sĩ kịch nghệ vẫn đang rất ngạc nhiên vì sao anh chưa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, dầu anh đã được đề xuất nhiều lần. Mấy vị trong Hội đồng xét tặng, có lẽ vẫn đang mang nặng thành kiến với anh về chuyện đã rất cũ.

Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân, chắc chắn không phải là mục đích tối thượng của những nghệ sĩ như Duy Phương. Nhưng làm gì cũng vậy, cần có sự công tâm, người ta chỉ có thể đối thoại với ý kiến chứ làm sao trao đổi được với thành kiến.

Và những gì Duy Phương đã làm được, anh xứng đáng được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú quá đi chứ. Nhất là khi, cái tên của anh đã được đám đông thừa nhận dằng dặc hàng chục năm trời.

NGÔ KINH LUÂN.

Leave a comment