Skip to content
11/12/2013 / Ngo's blog

Bộ sách thơ Nỗi Buồn Tốc Ký.

Image        

( Bạn có thể gọi số 0913.919.969, để được giao thơ tận nhà).

  “NỖI BUỒN TỐC KÝ”

                                                          VÀ NỖI NIỀM THI SĨ

Hà Nội, Nhà Hát Lớn, một đêm tháng 10 Âm lịch. Chưa kịp cười, trời đã sầm sập tối. Bên trong Nhà hát Lớn, tràn hoa. Những đóa hoa loa kèn, những cành hoa lan… trắng muốt và thơm ngát. Đêm ấy, nhà thơ Hồng Thanh Quang hồn nhiên với nỗi vui của người một đời ràng buộc với thơ. Anh ra mắt bộ sách thơ “ Nỗi buồn tốc ký” và có thêm nhiều bạn hữu là nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện những ca khúc phổ thơ Hồng Thanh Quang, lẫn những ca khúc được Hồng Thanh Quang phổ thơ của bè bạn.

 

  1. Tôi, ngẫu nhiên mà nhiều anh em văn nghệ sĩ cũng quý mến, đã vinh hạnh được tham dự nhiều buổi ra mắt thơ. Nhưng, chưa bao giờ có nhiều cảm xúc như vậy trong đêm thơ ấy. Khán phòng chật khán giả, sân khấu đẹp lung linh, nghệ sĩ trình diễn bằng tâm tình… Thơ, được tôn trọng như những năm xưa. Những thời khắc mà nhà thơ còn được tôn kính bằng cách những biểu hiện thái quá luôn biến thành giai thoại.

Họ lặng im nghe thơ Hồng Thanh Quang, như có sự tương lân, những tràng pháo tay vang lên nhịp nhàng, những xúc cảm được nối với nhau qua ánh mắt nhìn, lặng im. Khi ấy, thơ thật sự sống lại, thơ lan truyền như những ánh lửa sưới ấm lòng người, thơ trải sự yêu thương, thơ thấm đẫm nỗi niềm. Thơ, đã có đất để làm đúng nhiệm vụ của mình. Bởi, thơ không khiến người ta thương nhau hơn, tử tế với nhau hơn, trải lòng với nhau hơn, nhẹ nhàng với nhau hơn, thì thơ chưa thật là thơ và nhà thơ chưa thật là thi sĩ.

Thi sĩ Hồng Thanh Quang đêm ấy, vui nỗi vui hồn nhiên của một đứa trẻ được bố mẹ tổ chức cho lần sinh nhật đầu tiên. Anh đã ở độ tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, một người thông minh như anh thừa sức biết về mọi thứ đã là đủ đầy, cố cũng không cố được nữa, thêm cũng không thêm được nữa. Nên đêm thơ vừa diễn ra đó, là đêm để mọi người cùng tìm đến sự an vui. Chắc chắn ngoài chuyện đó, không còn gì khác.

Hồng Thanh Quang, có đủ tố chất để hình thành nên một thi sĩ đích thực. Anh tài hoa, nhẫn nhịn, chân thành và dễ xúc động. Thiên hạ ném vào anh những điều không phải, anh đón nhận. Thiên hạ ném vào anh vinh hoa, anh cười xòa. Tất cả những gì đã qua, anh chắt chiu câu chữ để ra thơ. Viết chắt chiu, là một thủ pháp nhấn mạnh. Thơ của Hồng Thanh Quang, tự nhiên như thể văn u mặc mà nho sinh xưa thường hướng đến.

Hồng Thanh Quang chạm vào đâu cũng ra thơ. Anh làm thơ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Một đêm trong khách sạn, một hôm dọc triền đê, một lần ngồi với bạn… Anh làm thơ ứng khẩu cực nhanh. Rất nhiều lần, tôi đã chứng kiến cảnh anh làm thơ ứng khẩu. Chữ cứ như sẵn trong tư duy, thích xài lúc nào, tung tẩy lúc đó.

 

  1. Thi sĩ, là một giống đa tình và Hồng Thanh Quang không là một ngoại lệ. Cũng rất khó là một ngoại lệ, bởi có ai tài hoa mà không đa tình đâu. Tránh sao được chữ tình. Không gieo vẫn gặt được, không tán vẫn nhào vào… Thế nên, không có gì là khó hiểu khi đa phần thơ của Hồng Thanh Quang tràn ngập sắc màu của tình ái. Những ngày yêu vụng dại, những mùa yêu nông nỗi, những hôm yêu bất thần, những khi yêu ngẫu hứng… Thế nhưng, chủ đạo trong thơ tình của Hồng Thanh Quang, chính là nỗi dằn vặt “Liệu, anh có làm cho em hạnh phúc hay không?”. Bao giờ, anh cũng sợ người mình yêu (hay người yêu mình) bị thiệt thòi, bị tủi phận. Anh mải miết loay hoay trong cả một trời thương nhớ xa xăm, yêu đương hoa mộng bây giờ.

“ Anh không thể không có em được nữa/ Bởi đã yêu, đã giận ở trong đời/ Không có em, cách gì anh hiểu được/ Sống làm sao để khỏi thẹn danh người” ( Không có em anh thở như không thở). Lại nữa, “ Em cứ làm Thị Kính của anh thôi/ Giấu xuân sắc vô vọng vào tục lụy/ Mặc Thị Màu vẫn khuê vi giữ nết/ Chán Nô rồi, thấy thanh mảnh mà si..” ( Em cứ làm Thị Kính của anh thôi)’. Lại thêm, “ Hành trang có mấy câu thơ/ Ta mang sĩ khí qua bờ sông Tương/ Hữu duyên hạnh ngộ ngang đường/ Người truyền mai đạo, ta thương phận đào” (Ngược đường về với ngày xưa). Lại có, “ Rồi em chúc cho tôi nhiều hạnh phước/ Bù hộ em những duyên nợ không thành/ Rồi em khóc mà tôi không thể dỗ/ Bởi chính tôi cũng rối loạn giăng mành” ( Lần cuối cùng gặp em tôi sẽ nói). Những tình ấy, là bởi anh tự một mình tạo cả một mùa yêu, “ Và ta sống không bao giờ nguôi được/ Những đam mê đắc nghiệp đã di truyền/ Xin em chớ nhìn ta thương cảm thế/ Ta vẫn là tiếng hát của mùa duyên” ( Và một ngày bắt đầu như thường nhật).

Ra Hà Nội chia vui với anh ở Nhà hát Lớn, về lại TP.HCM, đọc chậm “Nỗi buồn tốc ký”, mới chợt nhận ra rằng, Hồng Thanh Quang không chỉ có thơ tình. Còn một mảng thơ khác rất đậm nét trong thơ anh.

Nhìn mặt nạ, nhận ra nhau/Miệng cười mủm mỉm, mà đau quá chừng..” (Nhìn mặt nạ nhận ra nhau). Đó là bài thơ ngắn nhất trong bộ thơ “Nỗi buồn tốc ký”. Mười bốn chữ, chỉ đúng mười bốn chữ, mà bao nhiêu phù phiếm nghĩa nhân đều dồn vào đó cả, đều ẩn chứa trong đó cả.

Hồng Thanh Quang có chán chường sau khi nhìn mặt nạ mà nhận ra không(?). Hẳn nhiên là không, ai đã ngồi với Hồng Thanh Quang một lần, luôn muốn được ngồi với anh thêm lần nữa. Từ sự chứng kiến của mình, tôi đoan chắc, anh không phải là tuýp người bỏ rơi bạn hữu trong bất cứ tình huống ngặt nghèo nào.

Bạn anh là quan chức, gặp chuyện không may, công danh bấy lâu trôi như hoa rụng dưới chân cầu, mặc nước cuốn trôi. Bạn buồn, anh cũng buồn. Giữa cái không khí bàng bạc của sự ngoảnh mặt ấy, anh vẫn ngồi với bạn, và thổn thức “ Trong những lúc trắng đen còn lẫn lộn/ Bạn vẫy vùng mấy biển cũng đành thôi/ Nhưng tôi vẫn đớn đau vì thành bại/ Bạn vẫn là bạn quý của đời tôi” (Thơ tặng bạn).

Và anh lại viết thêm, “… Thế gian già nhẽ non tình/ Riêng ta ngỏ cửa lòng mình cho nhau/ Mai kia tóc bạc đầu đau/ Chén sầu dốc cạn, đọc câu thơ buồn” ( Rượu say lại nhớ bạn hiền). Hay “ Đều hơn năm chục tuổi rồi/ Bây giờ gặp lại thả lời ấu thơ/ Tình xưa chỉ giống giấc mơ/ Thế mà tóc bạc ngẩn ngơ gió đùa” ( Bạn cũ). Cái tứ “Thế mà tóc bạc ngẩn ngơ gió đùa”, an nhiên đến lạ lùng, an nhiên như thể “ Ngồi buồn gốc sân/ Hững hờ trăng khuyết/ Được mất phân vân/ Không còn không hết” ( Đồng dao).

Tôi đọc, Tử Bất Ngữ của Viên Mai, Liêu Trai Chi Dị của Bồ Tùng Linh hay Dạ Đàm Tùy Lục của Hòa Bang Ngạch, đều thấy phảng phất quan điểm “Đời như giấc ảo mộng, trăm năm hữu hạn hay ngàn năm về sau chỉ là thoáng qua, xá gì cơn mơ hóa bướm trắng”.. Vậy nên trộm nghĩ, kiếm được một người bạn đúng nghĩa trong cuộc đời, cứ như là nhóm được lên ngọn lửa hồng để sưởi ấm lòng nhau.

 

  1. Có ba người phụ nữ giữ vị trí quan trọng trong thơ Hồng Thanh Quang, những người phụ nữ ấy chiếm dung lượng không nhiều trong tổng thể thơ anh, nhưng lại níu giữ toàn bộ những gì anh tư duy bằng thơ. Thứ nhất, mẹ. Thứ hai, vợ và cuối cùng là con gái.

Anh viết về mẹ, “ Giờ tỉnh ngộ như thể còn mê lú/ Con âm thầm nhớ mẹ giữa phù hoa/ Con xót lắm nơi đồng không buốt giá/ Bao giờ con với mẹ được chung nhà” (Nhớ Mẹ). Vậy đó, trong bất cứ gã đàn ông nào, mạnh mẽ đến đâu, can trường đến đâu, khinh bạc đến đâu, ngạo nghễ đến đâu… thì bao giờ cũng cần đến vòng tay của mẹ. Bởi, “ Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà sau cuối/ Không bao giờ phản bội/ Ngay cả nếu ta bao lần ngu dại/ Vì ai” (Mẹ). Lại nữa, “ Thế là rượu, thế là thơ/ Không hay tóc mẹ đêm chờ khuất trăng” ( Mẹ ơi).

Đêm Hà Nội vắng gió, trong không gian yên ắng của Nhà hát Lớn, nghe Đàm Vĩnh Hưng hát bài Mẹ (nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang), mới cảm nhận hết nỗi da diết của câu chữ, “Người đàn bà đầu tiên, người đàn bà sau cuối, không bao giờ phản bội”

Chị nhà của nhà thơ Hồng Thanh Quang, là một người phụ nữ hiểu chồng. Có lẽ, rất ít người vợ nào lại hiểu chồng đến độ nhẫn nhịn như chị. Chưa khi nào chị nói ra, nhưng thể nào, làm vợ của một nhà thơ tài hoa nổi tiếng như Hồng Thanh Quang, chị luôn phải âm thầm chịu đựng những cơn bão lòng rất lớn bên trong. Chính vì vậy và viết về vợ, anh rất trân trọng, trân trọng đến mức… lễ phép. “ Mấy thứ lăng nhăng đều vướng cả/ Lệ làng rất khó được dung tha/ Nhưng lòng em rộng như giời ấy/ Cuối cùng mọi sự vẫn nương ta/ Em lo con bé, thương chồng dại/ Thật thà mê đắm, lắm ngu ngơ/ Cho ta gửi nhé, muôn nghìn vái/ Vợ mà như mẹ của nhà thơ” (Bái vợ).

Và một dự cảm khác đầy sự lo toan yêu thương cho nỗi niềm lớn nhất cuộc đời anh, trong bài “ Viết cho con gái Linh Vân”, “ Như chiếc lá non/ mặt tròn giống cha/ Mũi to giống cha/ Ngón tay thon dài như mọi mỹ nữ nhà mình/ Con hiền hơn cha nhiều lắm/ Tiếng con khóc nhỏ như hơi thở của đám mây thiêng/ Như sự nuốt vào trong của thân phận đàn bà…./ Đời con sẽ đỡ mưa sa?”.

Lại có một Hồng Thanh Quang hai mảng màu đối lập, cực khác biệt. Một Hồng Thanh Quang với nỗi buồn thi sĩ của riêng mình, “ Một mình sẽ một mình thôi/ Bao câu chữ cũ hát chơi một mình” (Sẽ một mình thôi). Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và tự trình diễn bài thơ này, được nghe, cứ thấy tuổi già đang vỡ vụn trong tâm tưởng.

Và một Hồng Thanh Quang đầy cao ngạo, cao ngạo đến bỡn cợt mọi thứ “Lên chùa được gặp ông sư/ Chuyện tu thì ít, chuyện tư thì nhiều… Sư ông ơi, đã hay chưa/ Đa mang tuổi cũ có chừa được không” ( Lên chùa được gặp ông sư). Thêm, “ Phật có bao giờ mất ngủ chăng/ Và tâm liệu có vướng dây chằng?/ Ta không thể tĩnh nằm như thế/ Bởi kiếp ta là sao thiếu trăng” (Phật có bao giờ mất ngủ chăng).

Thẳm sâu trong nỗi cao ngạo đầy ưu tư ấy, là sự phân minh cá nhân rất rạch ròi, “ Mặc đêm cứ việc là đêm/ Câu thơ chớ để lụy thêm kiếp này” (Không về cũng có sao đâu”. Mặc cho, “ Rất gần nhưng vẫn là xa/ Khi cơn gió khát thổi qua Niết bàn” ( Lắm khi ta chỉ một mình). Bởi nhẽ giản đơn,  “ Tính toán làm chi được mất/ Cuối cùng gió giữa đồng không”  ( Trở lại cùng tôi ký ức).

                                                                   NGÔ KINH LUÂN.

 

 

09/12/2013 / Ngo's blog

NGƯỜI QUÊ RA TÒA…

Image

                                NGƯỜI QUÊ RA TÒA(!)

Tháng Sáu, Sài Gòn lắm mưa, tôi sang Tòa án Nhân dân TP.HCM để dự khán phiên Tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Tp.HCM xét xử hai bị cáo là anh em ruột gồm, Hoàng Hà (36 tuổi) và Hoàng Bình (30 tuổi) về hành vi “ Giết người”. Nạn nhân của Hà và Bình là anh Thạch (tên nạn nhân đã được thay đổi – PV). Do mâu thuẫn nhỏ, Hà cùng Bình đã tấn công khiến Thạch tử vong trên đường đi cấp cứu.

Hà, Bình lẫn Thạch đều cùng quê với tôi, ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Bị cáo lẫn nạn nhân trong vụ việc đau lòng này, là những người quen cũ.

BI KỊCH TỪ BÃI NƯỚC BỌT

Hà và Bình, đứng trước vành móng ngựa, mặt tái dại đi vì sợ. Nỗi sợ cộng với nước da trắng xanh, dấu tích của những ngày nằm trong trại tạm giam khiến không khí phòng xử án tự dưng trở nên ảm đạm. Ngày tôi còn bé, lang thang ở quê chơi, gặp Hà và Bình suốt, thấy ai cũng lành cũng hiền. Hình như, Bình học cùng khóa với tôi thời Trung học Cơ sở.

Thạch, lớn hơn tôi vài tuổi. Thạch đen nhẻm, rắn chắn, khuôn mặt chân chất, tiếng nói ầm ầm ào ào. Dân quê quen miệng gọi Thạch là Thạch “lùn”, tên sao người vậy.

Thạch học chưa hết lớp 5 thì thôi học, cả ngày cắm mặt vào cây lúa trên đồng. Về sau, là mảnh vườn chôm chôm. Thạch lập gia đình khá sớm, thoáng cái đã có ba mặt con.

Những gã trai quê như Thạch, Hà hay Bình, không có cơ hội tốt nghiệp phổ thông trung học để lên Sài Gòn theo tiếp bậc Đại học, cũng không có được cái bằng cấp 3 để đi làm công nhân… thôi thì đành ở mãi quê, nhà có vườn thì làm vườn, nhà có ruộng thì làm ruộng. Nhà không vườn không ruộng thì đi làm thuê, ai mướn gì làm đó. Việc quê không nhiều, bởi đa phần người quê trồng trọt đều tự lấy công làm lời. Chỉ khi đến mùa chôm chôm hay cà phê, việc mới khá hơn một chút cho người làm thuê. Khu của Hà, Bình lẫn Thạch ở, gọi là ấp Ngô Quyền, qua dốc Bà Ba là đến ấp Ngô Quyền. Ấp cách đường Quốc lộ 1 có bao xa đâu mà khác nhiều lắm. Khác từ tập tính con người, khác đến thổ nhưỡng, phương ngữ.

Những ngày rảnh việc, thanh niên như Thạch, như Bình.. giết thời gian bằng những trò cờ bạn vụn. Cờ bạc vụn nghĩa là thắng thua sát phạt không đáng bao nhiêu. Trận đá gài vài mươi nghìn, trò đánh bài câu đá ghi điểm, mỗi điểm 200 hay 500. Cao lắm thì chơi bài tiến lên, giá 5 nghìn – 10 nghìn… Vào mùa, có chút tiền, khả năng là chơi cao hơn. Chơi cá cược chán, hứng chí, gom vài thằng cùng tuổi hay ít tuổi hơn uống một chặp rượu, cãi nhau chí chóe rồi nhào ra… đánh lộn kiểu giáp la cà một trận xong giải tán. Mấy lâu trước tôi về, còn thấy bọn trẻ con ở Ngô Quyền như rồ lên bởi khói tài mà. Bọn nhóc lấy tài mà phơi khô xé sợi, hút trong tẩu tự chế bằng chai nước suối, khói tài mà khen khét, cả đám ngây ngây như bọn dở người. Phê tài mà xong, ngồi đấu láo tán mấy em bán cà phê người ngợm cũng lôi thôi y như mấy ông nhóc hút tài mà, tóc cũng nhuộm xanh nhuộm đỏ. Tán qua tán lại, rồi ghen tuông, ly tách cứ thế tán vào đầu nhau… Chán mớ đời. Vừa giận lại vừa thương, lắm khi lại nghĩ quê buồn, biết giải trí bằng cách nào khác.

Trở lại câu chuyện của Thạch, Hà và Bình. Nhà Thạch nghèo, nhà Bình nghèo, nhà Hà cũng nghèo nốt. Cái nào quện vào nhau như bùn non đắp vách cùng tranh, xơ xác quá mà mãi không vữa ra. Cái nghèo y như đã hằn vào máu, hằn vào mái đầu khét nắng, gót bàn chân nứt, hay làn da mốc màu vẩy trắng. Nghèo, lưu cữu như là không có cơ may để thoát phận.

Cũng vào dịp gần Ngày Nhà báo như thế này vào năm ngoái, tôi nhận được điện thoại của anh trai ở quê, báo “ Thằng Thạch bị hai anh em thằng Hà, thằng Bình đánh chết rồi”. Hỏi ngược lại, “ Sao vậy được?”. “ Ừ, thì tụi nó đá gà. Xong gây lộn gì đó, một thằng đánh bằng cây không chống lại hai thằng có cuốc với dao”, anh trai trả lời. Tuần đó về quê, hỏi cậu bạn đang là điều tra viên công an huyện, cũng ở cùng xóm với Thạch nguyên cớ của vụ việc. Bạn kể đúng y như kết luận của Cơ quan Điều tra lẫn cáo trạng tại phiên xét xử.

Sáng một ngày giữa tháng 6 – 2012, Thạch, Hà và Bình cùng tham gia chơi cá cược tại một trường gà được tổ chức trái phép trong lô cao su thuộc xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Trong xới, cặp gà đang xù lông đâm cựa sắt vào nhau thì ngoài xới, Thạch bất thần phun nước bọt vào trúng người Bình. Chắc chắn, Thạch không cố ý phun nước bọt vào người Bình. Lại càng chắc chắn, Thạch phun nước bọt vì giận dỗi hay gì gì khác. Đơn giản, đó chỉ là một thói quen của Thạch.Tự đến giờ này, tôi cũng không thể nào hiểu được vì sao nhiều người quê thích phun nước bọt. Vui cũng phun, buồn cũng phun, mừng cũng phun, sợ cũng phun. Tôi có thằng bạn, cứ lắc lắc cái đầu là phun một bãi nước bọt. Không biết tuyến nước bọt củ nó có vấn đề gì hay không mà lấy đâu ra lắm thế. Đại khái, y như rảnh quá không có chuyện gì làm nên… phun nước bọt cho bớt rảnh vậy. Thạch có ngờ đâu, cái lần phun nước bọt ấy, đã khiến Thạch lâm vào họa sát thân.

Dính bãi nước bọt của Thạch vào người, sẵn đang cáu trận gà có vẻ sắp thua, Bình nhào đến chỗ Thạch, gắt “ Mày khùng hay sao mà phun nước miếng vô người tao mày?”. Nhẽ ra, Thạch phải biết cách làm cho Bình dịu lại. Đằng này, máu anh hùng quê nỏi dậy, Thạch nói ngang “ Tao thích phun vào mày, rồi ý mày sao?”. Bình ức, nhào vào đòi ăn thua đủ. Thấy em vậy, Hà cũng xắn tay đòi ăn thua đủ với Thạch. May mà đám coi trường gà, không muồn ồn ào, nên nhất định ngăn chặn “trận chiến” sắp diễn ra giữa Thạch và anh em Hà, Bình.

Vì là trường gà tổ chức bất hợp pháp, nên chỉ nhóm một lát, đá vài trận phải nhanh chóng giải tán để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng. Trưa, trường gã rã. Thạch đi ké xe máy của một người bạn ra về. Đến đoạn đường gần cầu sông Nhạn, Thạch nói bạn ghé tiệm tạp hóa ven đường để vào mua gói thuốc lá. Ngay khi bạn Thạch vừa dừng xe, thì chiếc xe gắn máy của hai anh em Hà, Bình trờ tới. Trên tay Hà, là cái cuốc chim, dạng cuốc dùng để đào hố trồng cây. (Về sau, Hà khai tại Cơ quan Điều tra, trên đường từ trường gà về, thấy có ai đó quẳng cây cuốc chim trong lô cao su, Hà nhặt lấy với ý định sẽ dùng nó để tấn công Thạch – PV). Bình nhảy xuống xe, chặn đầu Thạch, quát “ Mới nãy mày đòi đánh tao mà, giờ thì phải đánh thôi”. Thấy anh em Hà, Bình có hung khí, Thạch lùi lại bỏ chạy. Trước khi chạy, còn kịp túm một khúc cây phòng thân.

Thạch chạy, Hà và Bình nhanh chóng đuổi theo. Hà ném cây cuốc về phía Thạch, Thạch né được. Thấy Hà không còn hung khí, Thạch quay lại tấn công để tìm đường thoát. Chưa kịp tấn công Hà, Thạch đã bị Bình bắt kịp, cặp cổ vật xuống đất. Bình cũng lao vào, dùng gậy đánh Thạch. Bị đánh tới tấp, Thạch chỉ biết che đòn trong vô vọng. Bất thần lúc này, Bình rút con dao xếp mang sẵn trong người ra, nhằm vào Thạch, đâm một nhát chí mạng. Đến khi người bạn của Thạch gọi được người đến để giải vây, thì Thạch đã nằm bất động. Cùng ngày, Thạch tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Biên bản giám định pháp y của Cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai rất khủng khiếp. Thạch tử vong vì vỡ tim, gẫy xương sườn hai bên, gẫy xương ức… Thạch, không có cơ hội sống sót bởi trận đòn thù từ những người quen mặt biết tên, sinh sống cùng quê với mình.

NỖI ĐAU Ở LẠI

Thạch tử vong, anh em Hà, Bình bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố và tạm giam ngay sau đó không lâu. Cả vùng quê chấn động vì thông tin chán chường ấy.

Thạch mất đi để lại 3 con nhỏ, đứa lớn nhất mới lên 10, đứa út vừa 4 tuổi. Công việc mưu sinh để lo cho gia đình xưa nay một tay Thạch gánh hết, vợ chỉ ở nhà, quanh quẩn xó bếp, mảnh ruộng con con. Thạch mất rồi, vợ con Thạch không biết bấu víu vào đâu, họ hoảng loạn và bế tắc. Tiền làm tang ma cho Thạch, vợ Thạch lẫn gia đình Thạch phải đi vay của hàng xóm. Nhà Thạch từ lâu lắm rồi, chưa khi nào dư dả. Sau đám tang Thạch, vợ Thạch gửi con cho ông bà nội, xin đi làm công nhân. Lương tháng ba cọc ba đồng, tăng ca làm thêm đủ cả, mà vẫn không đâu vào đâu. Phần tiền lo cho con, phần trả nợ đám tang chồng… Buồn hiu hắt.

Hôm xử phiên Phúc thẩm, người thân của Hà và Bình không đến dự khán, tôi không rõ vì lý do gì họ không đến dự. Có lẽ, là do mặc cảm với xóm giềng, với gia đình Thạch.

Hà khóc trước Tòa, “ Thưa, bị cáo không hiểu sao lúc đó bị cáo lại hành xử như vậy. Bị cáo rất ân hận, giá mà bị cáo có được một chút tỉnh táo thì sự việc đã không bị đẩy vào đường cùng như thế nào. Bị cáo với nạn nhân là người quen biết, trước đó hoàn toàn không có mâu thuẫn gì. Tất cả chỉ là sự bộc phát nhất thời. Bị cáo xin lỗi gia đình anh Thạch, bị cáo biết tội của mình rồi. Bị cáo chỉ mong nhận được sự khoan dung để trở về, thắp cho anh Thạch một nén nhang tạ tội”.

Hà lẫn Bình có nghề ngỗng gì ổn định đâu. Cả hai đều có gia đình, cả hai đều đi làm thuê. Không chỉ chồng làm thuê, mà vợ cũng làm thuê nốt. Ngày nào cũng ngóng việc, chỉ mong kiếm được vài mươi nghìn lo cho con. Hai anh em dắt díu nhau vào tù, gánh nặng để lại cho hai người vợ là quá lớn. Bốn tay góp vào còn hụt ăn, ngày có ngày không. Nay chỉ còn hai tay, thì lấy làm sao mà không ảm đạm.

Trong phiên Sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Hoàng Bình mức án 18 năm tù giam, Hoàng Hà chịu mức án 15 năm tù giam. Ngoài ra, Hà và Bình có trách nhiệm bồi thường tổn thất cho gia đình anh Thạch số tiền tang ma là 70 triệu đồng, đồng thời chu cấp cho 3 con của Thạch đến khi các cháu đủ 18 tuổi… Chạy vạy mãi, người thân Hà, Bình mới kiếm được 30 triệu mang qua  nhà Thạch xin được góp tiền làm đám, phụ giúp gia đình Thạch reong cơn ngặt nghèo. Hai người vợ của Hà và Bình giờ cũng như vợ của Thạch. Họ vừa đi làm, vừa chắt chiu lo cho con, vừa phải trả lợ tiền vay lo giải quyết hậu quả mà chồng gây ra. Những đứa trẻ phút chốc mồ côi, những người vợ thụ động nhận lãnh bi kịch, ba gia đình tan đàn xẻ nghé… chỉ vì lý do không đâu vào đâu.

Hội động xét xử trong phiên phúc thẩm nhận định, mặc dù có một số tình tiết mới như bồi thường một phần thiệt hại, ăn năn, hỗi lỗi… Tuy nhiên, nhận thấy, hành vi của hai bị cáo là quá nặng, chỉ vì một xích mích nhỏ mà gây nên cái chết của bị hại. Với hành vi này, mức án tòa sơ thẩm tuyên là khá nhẹ, chưa tương xứng, nhưng do không có kháng cáo của bị hại, cũng như kháng nghị của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai không làm tình trạng bị cáo bất lợi nên tuyên phạt y án.

18 năm dài bao nhiêu, 15 năm xa bao nhiêu, nỗi đau mất chồng bao giờ mới khéo miệng… tôi cũng không biết nữa, tôi cũng không có ý định cố kiếm tìm câu trả lời. Người quê ra Tòa, người quê thiệt mạng nỗi xót xa cứ ngập trong lòng. Sau phiên Tòa, khi bị dẫn giải đi, tôi để ý dưới chân Bình và Hà là đôi dép tổ ong, màu vàng gỉ, củ kỹ và cáu bẩn.

Người quê, vốn dĩ đã nhiều lo toan, nhiều tủn mủn, nhiều toan tính thiệt hơn, nhiều chấp nhặt nhỏ mọn… Nhưng, người quê làm sao mà không thương, như xa trở về, nhìn khói rạ rơm bay trên đồng, tự dưng thương kẽ móng tay của người quê, những kẻ móng tay bị nước phèn ăn nứt đen mà ứa nước mắt..

Tận thẳm sau trong người quê, luôn là thiện tâm. Chỉ có điều, như nắng quái chiều hôm, bởi quá cơ cực mà đôi lúc nảy sinh ra muộn phiền.

                                                                             KINH HỮU

06/12/2013 / Ngo's blog

Tài Xế Và Những Câu Chuyện Buồn…

( Sau khi mình in bài này trên Chuyên đề An Ninh Thế Giới Tuần.. Sáng hôm sau ngày ra báo, mình tiếp một bạn đọc là tài xế. Anh đến cơ quan tìm mình, chỉ để nói “Cảm ơn anh” và khóc..

Vậy đó, nghề báo cho bạn những khoảnh khắc đẫm nỗi buồn. Mỗi cá nhân là một thân phận, và có thân phận nào không xứng đáng được yêu thương.

Phải vậy không?).

TÀI XẾ VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN BUỒN

Hai vụ tai nạn thảm khốc cùng xuất hiện trong ngày 11 – 5 – 2013, đã để lại những hậu quả đau lòng. Khi mà dư luận còn chưa kịp trấn tĩnh sau vụ tai nạn tại địa phận thuộc phường Khánh Hậu (TP Tân An, Long An), khiến 6 người thương vong, trong đó có cả tài xế vào rạng sáng ngày 11-5, thì lại tiếp nhận thêm thông tin về vụ tai nạng khiến 7 người tử vong và 10 người bị thương trong vụ tai nạn tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Gần như trong tất cả những vụ tai nạn, thì nguyên nhân chính bao giờ cũng bắt nguồn từ tài xế, không phải do tài xế xe này thì là bởi tài xế xe kia. Hiếm hoi, tai nạn xuất phát từ lỗi kỹ thuật của phương tiện. Có lẽ vì vậy, mà tài xế luôn là đối tượng bị chỉ trích đến mức cay nghiệt nếu không may xảy ra tai nạn giao thông. Khẩu hiệu “ Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim”, không phải không có cái lý của nó. Tuy nhiên, giới tài xế cũng có lắm câu chuyện buồn. Tôi không có ý tranh luận trong bài viết này, tôi chỉ kể lại với bạn đọc những gì mà tôi biết.

Xem toàn bộ bài viết

06/12/2013 / Ngo's blog

NHỮNG NỖI BUỒN HIU HẮT

Image

Cuối tháng Bảy, phố ướt mưa, Lê Anh Tuấn (1995) ra Tòa, phiên Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM. Tuấn có khuôn mặt khuôn rặt nhà quê, buồn rười rượi. Tuấn ra Tòa, đối diện với tội danh “Giết người”. Đau đớn thay, người bị Tuấn sáng hại chính là cha ruột của Tuấn. Khi Tuấn phạm tội, Tuấn chưa đầy 18 tuổi. Tuấn, từ thưở bé đã chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ, cha đánh đập các anh chị em Tuấn vô cớ. Trong cơn say, cha Tuấn không còn là người đàn ông của gia đình nữa.

Tuấn có nỗi uất ức của riêng mình, tiếc rằng cái cách mà Tuấn chọn để giải tỏa cơn uất ức kéo dài đằng đẵng hàng chục năm trời ấy, lại chính là khởi thủy của bi kịch tiếp theo. Và có lý giải thế nào đi chăng nữa, thì hành động của Tuấn vẫn phải bị lên án.
Xem toàn bộ bài viết

04/12/2013 / Ngo's blog

THƯ TÌNH KHÔNG GỬI

 Ăn mày là ai? Ăn mày là ta – Đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày…

Em thân yêu! Anh tìm em đã chồn chân, gấu quần đã bạc, vai áo đã sờn, bụi đường lấm lem mày mặt nhưng vẫn không quên được những xa xăm. Mẹ dạy anh, hay quên chân dài đi yêu chân ngắn cũng được. Anh nghe lời mẹ dạy, cưới một cô vợ ngắn chân. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần xem truyền hình, mỗi lần xem báo mạng, nhìn thấy em cười mãn nguyện, anh lại bật khóc vì nhớ thương…

Xem toàn bộ bài viết

04/12/2013 / Ngo's blog

Danh Hài Duy Phương.

( Lưu ý với đồng nghiệp: các bạn có thể lấy ý từ bài viết của mình, câu chữ của mình.. Nhưng đừng đấy nguyên đoạn, rồi đảo trước thành sau, sau thành trước, nhé! Mình không thích điều này. Bởi, trang này mình đưa bài lên để bạn đọc gần xa đọc cho vui thôi, mình không muốn có độc giả hiểu nhầm).

Thân,

N.K.L

                                            DANH HÀI DUY PHƯƠNG –  MỘT TRƯA NGỒI LẠI(!)              

Image

          Ngày xa lắc, thưở bé ở quê, tôi đã xem nghệ sĩ Duy Phương diễn hài thông qua chương trình Trong nhà Ngoài phố của Đài truyền hình TP.HCM (HTV). Anh có khuôn mặt tếu, rất tếu. Tếu đến độ anh không cần diễn, chỉ cần nhíu mày hay trề môi là đủ khiến khán giả bật cười.

          Lâu trước, đã muốn ngồi với anh để nói chuyện này chuyện kia. Nhưng cảm giác là anh ngại truyền thông. Tự dưng cảm giác vậy thôi, bởi một dạo, anh bị truyền thông đánh cho tơi tả. Đánh đến độ, nói như anh trưa nay thì, “ Anh không còn gì để mất”.

          Ngẫm đời, rủi rủi may may, chớp mắt đã là khoảnh khắc khác, biết thế nào mà lần.
Xem toàn bộ bài viết

03/12/2013 / Ngo's blog

VỤ BẢO MẪU ĐÁNH CHẾT BÉ TRAI 18 THÁNG TUỔI..

( Khi mình viết bài này, mình đã kiềm chế cảm xúc, để đưa ra quan điểm: Nhất thiết phải có nhà trẻ xã hội dành cho những người có thu nhập thấp, công nhân… Nếu không, sẽ lại tiếp tục có những trường hợp bé bị bạo hành khác xảy ra.

Và sáng qua, mình nhận được tin, có bé 13 tuổi tử vong vì chấn thương sọ não tại nhà trẻ tự phát. Bé được nhận giữ với mức thù lao, 20 nghìn/ngày.

Vậy đó, tiếc là tiếng nói của báo chí luôn có giới hạn.

Lòng đau như dao cau cứa qua.

XUNG QUANH VỤ NGƯỜI TRÔNG TRẺ ĐÁNH CHẾT BÉ TRAI 18 THÁNG TUỔI

                        SỰ TÀN NHẪN KHÔNG CÒN GIỚI HẠN

Trong nhà tạm giam thuộc Công an quận Thủ Đức, Hồ Ngọc Nhờ khóc mếu máo, Nhờ nói Nhờ không cố ý đánh chết bé Long. Chẳng qua là bởi, Nhờ không kiềm chế được nỗi bực dọc khi bé Long cứ quấy phá. Nhờ mong pháp luật khoan hồng với Nhờ, hơn cả vậy, Nhờ còn hứa “Sẽ chấp hành án tù tốt”..

Long, tên đầy đủ là Đỗ Nhất Long, tính đến thời điểm bị Nhờ hành hạ đến tử vong (ngày 16-11-2013), Long vừa tròn 18 tháng tuổi.

Long là cậu nhóc con đầu lòng của anh Đỗ Trọng Đức (27 tuổi, ngụ Bình Định) và chị Võ Thị Huyền (24 tuổi, ngụ Nghệ An).

Xem toàn bộ bài viết

02/12/2013 / Ngo's blog

Hẹn Hò Với Giai Nhân

Image

Ngọc Lan là một giai nhân. Không chỉ là một giai nhân, Ngọc Lan còn là diễn viên. Không chỉ vừa là giai nhân vừa là diễn viên, Ngọc Lan lại còn rất nổi tiếng. Đó là một điều đầy thú vị.

Quán cà phê Napoly. Đó là một quán cà phê ở khu trung tâm thành phố, cạnh Hồ Con Rùa. Tôi vẫn ngồi ở đó mỗi khi phỏng vấn một nhân vật của làng giải trí Việt. Sáng ngồi với Ngọc Lan, quán khá vắng khách. Đó là một điều thú vị không kém.

Bạn không thể nào đòi hỏi hơn chuyện, vừa ngồi cà phê với giai nhân, quán lại vừa vắng khách.

Và trong khung cảnh ấy, với những điều thú vị ấy, có gì hợp lý hơn khi cùng trao đổi về chủ đề muôn thưở, một chủ đề tôi cực kỳ yêu thích – Nhan sắc.
Xem toàn bộ bài viết

02/12/2013 / Ngo's blog

Chùm thơ Tháng Chạp…

Image

Tháng Chạp 1

Phương Nam chừng vào mùa nắng Tết,
Lá me bay đổ ngập đường vàng
Ơi, ngày cũ mắt nâu thương nhớ
Xoa bàn tay tiếc ngọn gió đi hoang..

Là tháng Chạp gà mơ xuống ổ
Hạt thóc rơi đất mẩm sương đêm,
Lũ trẻ nhỏ ngồi đong đưa tuổi…
Anh lặng nhìn sợi tóc dầy thêm…

Là áo mẹ sờn vai tất tả
Nhát cuốc ba đánh bật đồng khô
Đuôi trâu vẫy rạ rơm trở giấc
Chim nhịp đuôi theo lá tre đùa..

Nên ai đuổi mà mùa về lại,
Tán cây xanh trên tháng năm xanh,
Gót giầy mòn ánh lên bụi đỏ,
Anh ngồi yên, để ký ức dỗ dành…

Tháng Chạp 2

Tháng Chạp, mưa đêm sâu ngõ vắng
Anh ngồi thương nhớ những mùa xa,
Phương Nam phóng khoáng tơi bời gió
Vô tình nghe lạnh mấy lần da….

Tháng Chạp, phấp phới đuôi chim én
Ly hương mười năm muốn quay về,
Khuya qua, tràn rượu chừng không tỉnh
Sáng nắng vàng thềm vẫn như mê.

Tháng Chạp, lưu trú trong ký ức
Ngụ cư khiến mắt hằn dấu đuôi,
Phong sương đầm đìa mềm tuổi nhỏ
Bao lâu để đất nhạt hơi người.

Tháng Chạp, ngày trở mình chậm chạp
Mơ xa mòn mỏi cũng không gần,
Ơi, ai xiêm áo thay trời biếc
Có kịp thắm mình với hoa Xuân…

Vẽ Mình Tháng Chạp

ngựa

Đỉnh dốc ngựa lên chồn gối,
Thương bóng câu ở lưng chừng
Dấu vó tháng năm bụi phủ,
Sương đẫm triền cỏ rưng rưng…

Mấy chốc mà thành phế tích,
Bờm xanh gió lộng xơ lông
Tiếng hí đã thôi kiêu hãnh,
Mù tung đất đỏ úa lòng..

Ngựa đầm ao xưa rêu phủ,
Mắt nheo đắm cả trời chiều
Lòng vui theo con nhện giỡn
Nước soi bóng ngựa liêu xiêu..

Bây giờ ngựa về chốn cũ,
Bình yên theo tiếng gáy gà…
Tiếc rằng đời còn sương gió
Ngựa mang nỗi nhọc đường xa…

Khi nào thôi cơn thảo phạt
Đời lành như tiếng suối quê,
Thảo thơm như bầu sữa mẹ…
Lúc ấy, ngựa sẽ lại về.

02/12/2013 / Ngo's blog

Luận Chuyện Yêu Đương.

Image

                                                        “ Em mòn câu hát cũ,

                                                          Anh đã vẹt dấu giầy

                                                          Tìm nhau bằng ký ức,

                                                          Không mưa mà ướt tay”.

                                                          (N.K.L – Thân tặng B.V.H)

Mình ra đi từ quê nhà, mưu sinh ở phố. Luôn tâm niệm một điều, sẽ đến ngày phải quay về. Đó là ngày nào, cho đến giờ vẫn chưa biết chắc.

Mình ấu thơ, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lưu trú tại thành phố này. Vướng chân là tiếng bìm bịp kêu, vướng tay là gà mổ trứng…. Những âm thanh quê cứ vọng về hằng đêm, trước khi ngủ.

Sài Gòn đủ rộng lớn để ươm mầm ước mơ cho tất cả. Thế nhưng, Sài Gòn cũng đủ bất thường để hôm nào đó hóa thành bão giông. Hay đơn giản chỉ là, chúng ta bào mòn tư duy vào phố để đang dần nhạt dần đi.

Cũng may là Sài Gòn chớm mưa, phố nhòa mặt và ký ức chậm chạp trở mình. Mà toàn là, nhớ chuyện người dưng.
Xem toàn bộ bài viết

02/12/2013 / Ngo's blog

Thương Nhớ Người Dưng!

Image

Những ý nghĩ, mình rất thích, như khi mình viết “Có những buổi chiều vàng hiu hắt gió, những nhớ quên tự dưng lạc về.. Là ký ức, ai lại nỡ lắc đầu. Như khi thấy người xưa, ai rảo bước qua mà không ngoái len lén nhìn lại một lần.  Như khi nghe tin người xưa, ai nỡ nào bảo vì đêm mà khờ dại, vì vội mà đành thôi. Chớp mắt là qua, đưa tay nhanh mấy cũng không bắt kịp. Nợ nần theo tuổi mà tìm, xa xăm theo chiều mà đến, từ chối là chối làm sao(?!). Như khi thi sĩ họ Du cảm thán, “Con sáo sậu đen/ Sổ lồng bay mất/ Đứa trẻ lên một/ Đứa trẻ lên hai”.  Nhỡ vướng vào nhau một khắc, trăm năm vẫn cứ luyến lưu. Dẫu lời bớt mềm, dẫu tóc bớt xanh, thì đâu cứ lạnh lùng cho được!”.

Hay, “Mỗi năm, được nhìn nhau một lần, chạm vào nhau một lần, yêu thương nhau một lần, vuốt tóc nhau một lần, xoa tay nhau một lần. Không phải là đã viên mãn hay sao? Không phải là đã đủ đầy hay sao.. Còn gì nuối tiếc mà sầu thương bi luỵ. Bởi, đã có bao nhiêu người, đi hết đời này không được nhìn nhau thêm lần nữa? Đi hết kiếp người này, không còn được chạm mặt nhau? Đi hết phần phúc này, không còn nhận được tin nhau?”.
Xem toàn bộ bài viết

01/12/2013 / Ngo's blog

Tôi Kiểm Điểm Tôi Đầu Tiên.

Đây là loạt Phiếm đàm mới nhất của mình, và cũng là loạt mình rất thích.

TÔI KIỂM ĐIỂM TÔI

Là những câu chuyện rất phù phiếm, nửa như thật, nửa như ảo. Tin cũng được, không tin cũng được… Tất cả là tùy vào quan điểm của bạn.

NGÔ NGUYỆT HỮU

LẦN KIỂM ĐIỂM ĐẦU TIÊN

Cạnh nhà tôi là nhà của gã hàng xóm. Thật ra, gã không chơi với tôi. Mà cũng thật ra, tôi hơn một lần cố chơi với gã là gã không thèm phát đi tín hiệu sẽ chấp nhận tôi là bạn.

Gã chạy cái BMW, nghe đồn giá 7 tỷ. Gã có con học trường Tây, tài xế đưa đón con trên chiếc ô tô nhập khẩu từ Anh, tôi không biết đọc tên hiệu như thế nào cho đúng. Vợ gã lại sở hữu một cái ô tô nhập về từ Ý.

Sáng cuối tuần, gã diện đồ trắng toát từ trên xuống dưới, vai đeo vợt đi chơi tennis. Hai con gã được tài xế đưa đi bơi. Còn cô vợ gã thì đi tập Yoga thì phải…
Xem toàn bộ bài viết

01/12/2013 / Ngo's blog

Chuyện Người – Chuyện Chó

Image

Thi thoảng, người ta lại giật mình trước thông tin, trộm chó bị đánh chết, trộm chó bị đốt xe hay trộm chó bắn chết người truy đuổi, trộm chó chém người…Trộm nào thì cũng được xếp vào dạng người không lương thiện. Thế nhưng, trộm chó là loại trộm bị đám đông miệt thị nặng nề nhất.

Cao trào là vào sáng ngày 10-6, người dân xóm 3 xã Tân Thành huyện Yên Thành, Nghệ An đã “tẩn” một kẻ trộm chó đến bất tỉnh nhân sự. Sau đó, họ tiếp tục chặn xe của lực lượng công an lẫn bệnh viện ngăn không cho lực lượng này đưa đối tượng trộm chó đi cấp cứu. Kết quả, một đối tượng trộm chó đã tử vong.
Xem toàn bộ bài viết

01/12/2013 / Ngo's blog

Mạc Cảm Thành Tội Ác.

Hai phiên Tòa diễn ra ở hai thời điểm khác nhau. Hai  cá nhân riêng biệt, những nỗi đau khác biệt. Chỉ có một điểm chung, đó là căn nguyên của cái ác bắt nguồn từ mặc cảm thân phận.

Một kẻ sát hại bạn gái, khi bạn gái đòi chia tay với lý do không được cho đủ số tiền như yêu cầu. Lại nghĩ, bản thân mình tật nguyền, người yêu đòi chia tay có lẽ cũng vì lý do đó ngoài tiền bạc nên thực hiện hành vi gây án.

Một kẻ vô ý giết người trong vụ ẩu đả, vì cho rằng mình bị nạn nhân khinh khi nghèo khó.

Sự mặc cảm không làm cá nhân trở nên mạnh mẽ, mà đôi lúc, lại tạo nên những bi kịch mà hậu quả không thể cứu vãn.
Xem toàn bộ bài viết

01/12/2013 / Ngo's blog

Loạt bài về Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

( Vẫn lời nhắc cũ, có thể sai chính tả khiến bạn khó chịu. Vì mình toàn đưa lên bản gốc).

CÁI CHẾT CỦA ANH EM NHÀ HỌ NGÔ

Tôi là một kẻ hậu bối, kiến văn còn nông cạn nhưng cực kỳ hứng thú với giai đoạn lịch sử của nước nhà, từ 1945 đến 1975. Đặc biệt, là về vị Tổng thống Ngô Đình Diệm. Áng năm 2010, tôi đã hơn một lần cố dựng lại chân dung của vị Tổng thống họ Ngô, nhưng vì nhiều lý do, đành phải trì hoãn lại. Thời may, độ giữa tháng này, bạn hữu của tôi có gửi cho tôi một vài tư liệu lịch sử quý giá, bất thần như khơi lại niềm đam mê.

Kinh Tân Ước có viết, “”Hãy trả cho César những gì của César”, rộng hơn thì, “Hãy trả lại cho lịch sử, những gì của lịch sử”.

Vì không quen với lối viết khảo cứu, tuổi đời lại còn non trẻ. Thêm nữa, với dung lượng chưa tới một vạn chữ thì chỉ phần nào khái quát được vẻ bề ngoài của nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm. Nếu bậc trí giả không hài lòng, thì do khả năng diễn đạt của tôi còn kém cỏi, chứ hoàn toàn không vì nguyên nhân nào khác. Xin chớ suy đoán theo chiều hướng tiêu cực.

Khi tôi bắt đầu thực hiện loạt bài viết này, cũng là đúng 50 năm ngày hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị bắn chết, 1/11/1963 – 1/11/2013.

50 năm đã qua, thiết nghĩ, những định kiến nên dần được khép lại. Như sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói, với đại ý “30-4, một triệu người vui thì một triệu người buồn. Phải làm sao để hai triệu người cùng chung một niềm vui”.

                                                          (NGÔ KINH LUÂN).

KỲ I:

                    NGÔ ĐÌNH DIỆM – NGÀY TRỞ VỀ

Ong Ngo Dinh Diem

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha ông là Ngô Đình Khả, từng làm quan dưới truyền Nguyễn. Sau, vua Thành Thái bị Pháp đày sang Châu Phi, ông Khả trả ấn từ quan về quê làm ruộng. Dân gian truyền ngôn câu, “Đày vua không Khả, đào mả không Bài”, để nhắc đến lòng trung của ông Ngô Đình Khả. Một thuyết khác cho rằng, vì ông Khả không chịu ký vào đơn yêu cầu Thành Thái thoái vị, nên bị thực dân Pháp cách chức.

Ngô Đình Diệm bẩm sinh thông minh, đường học vấn lẫn chốn quan trường đạt nhiều thuận lợi. Năm 1921, khi mới 20 tuổi, ông tốt nghiệp trường Hậu Bổ tại Hà Nội, được phong chức Tri huyện Hương Trà, sau đó chuyển sang làm Tri huyện Hương Thủy, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế). Năm năm sau, năm 1926, ông được ổ nhiệm làm Tri phủ Hải Lăng (Quảng Trị).

Năm 1929, ông nhậm chức Tuần vũ tỉnh Phan Thiết ( Bình Thuận). Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại dưới triều vua Bảo Đại. Đó là năm 1933, khi Ngô Đình Diệm mới vừa 32 tuổi. Ông là Thượng thư trẻ nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ.

Ngay khi nhậm chức, ông Diệm đề trình việc thành lập Viện dân biểu với quyền hành pháp, nhưng chính phủ bảo hộ không thừa nhận. Tháng 7/1933, Ngô Đình Diệm từ quan để phản ứng lại sự phủ nhận Viện dân biểu của Pháp.

Từ đây, người ta gọi ông là Ngô nhân sĩ, hay nhân sĩ họ Ngô.

Xem toàn bộ bài viết

01/12/2013 / Ngo's blog

Đôi lời cùng bạn đọc.

( Thời gian qua, mình lắm việc, bỏ luôn cả trang này. Thêm nữa, nhiều bạn lấy bài của mình, rồi sửa tên lại, in chổ này chỗ kia, mình không vui.

Nhưng, rồi nghĩ! Không vì vài ba người mà khiến cả chục nghìn bạn đã lướt qua trang này mà dung lại. Vì vậy, mình sẽ bỏ bài lên thường xuyên hơn.

Chắc là, mình chỉ bỏ 3 mảng: Phiếm đàm, Ký Pháp Đình và Chân Dung Nhân vật. Thi thoảng, là thời sự văn hóa.

( Bạn đọc lưu ý, mình chỉ thường lấy sự việc để chuyển tải quan điểm, góc nhìn.. Thế nên, đôi khi mình cố tình viết sai tên nhân vật hoặc địa chỉ. Chỉ sự việc là không thay đổi. Thiết tưởng, đó cũng không là gì quá nghiêm trọng).

Thân,

N.K.LUÂN.

VỤ THÍ SINH TRẦN THỊ QUỲNH ĐEO BẢI BĂNG SAI TÊN NƯỚC TẠI CUỘC THI HOA HẬU QUÝ BÀ THẾ GIỚI 2013

                                             TIÊN TRÁCH KỶ…(!)

Hoa hậu quý bà

Cuộc thi Hoa Hậu Quý Bà Thế Giới 2013 (Mrs. World 2013) diễn ra từ ngày 10 đến 24-11-2013, tại Quảng Châu, Trung Quốc.  Đại diện cho Việt Nam là thí sinh Trần Thị Quỳnh, người đoạt danh hiệu “ Hoa khôi Thể thao 2007”.

Đơn vị đề cử cho thí sinh Trần Thị Quỳnh tham dự cuộc thi trên là Công ty CIAT của Tiến sĩ, Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Đoàn Thị Kim Hồng. Bà Kim Hồng cũng là thành viên của Ban Giám khảo cuộc thi Mrs. World 2013.

Đơn vị đồng ý cho thí sinh Trần Thị Quỳnh xuất ngoại so đọ nhan sắc là Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch.

Và đêm 23-11-2013, đêm chung kết của cuộc thi này, một sự cố xấu hổ đã xảy ra.

Xem toàn bộ bài viết

28/06/2012 / Ngo's blog

NHÀ THƠ TRẦN HOÀNG NHÂN-PHÓNG KHOÁNG VỈA HÈ

Vỉa hè Sài Gòn, không thiếu. Người ngồi ở vỉa hè, không thiếu. Những câu chuyện vỉa hè, không thiếu. Tranh cãi vỉa hè, không thiếu. Yêu đương vỉa hè, không thiếu…

Gió nào không phóng khoáng thổi bạt vỉa hè. Bạn hữu nào không hồn nhiên khóc cười vỉa hè…

Những đêm dài mưa, những chiều bạt nắng, tôi ngồi cùng Trần Hoàng Nhân ở đó… vỉa hè đường Mạc Thị Bưởi, quận 1.

Bia uống, vui thôi. Chuyện trò, vừa thôi. Chỉ lẳng lặng gậm nhấm hắt hiu, hay bốc đồng huyễn hoặc đời sống.

Mười lăm năm có lẽ, Trần Hoàng Nhân ở Sài Gòn. Mười ba năm có lẽ, tôi biết Nhân.

  Xem toàn bộ bài viết

05/04/2012 / Ngo's blog

HỌ LÃ… ĐI BUÔN

Lã đầu bạc cũng có thể là Lã Bất Vi, cũng có thể không. Lã Bất Vi, xưa là thừa tướng nước Tần. Lã đầu bạc, nay đang cố nhập vai người hùng công luận.

Lã Bất Vi người xa xăm, hình dung cao mảnh khảnh, râu tóc dài đều.

Lã đầu bạc, mập người tay ấm, tóc trắng trên đầu.

Thật ra, Lã nào mà chẳng là Lã.

Xem toàn bộ bài viết

05/04/2012 / Ngo's blog

CON MẮT CÒN CÓ ĐUÔI…

Ông đang ở nơi mà ông không muốn đến. Ông cũng đang là tâm điểm của dư luận vì cái chuyện ông không muốn nhiều người khác biết. Đời ông buồn hiu, buồn như cái nheo mắt của tuổi già nhìn chiều phấp phới trôi qua ô cửa nhỏ. Buồn như khi nhánh lục bình tim tím lập lờ trôi ngày mưa phùn… Hơn ba năm, ông bị cậu con trai út của mình giam trong căn phòng bé xíu. Trước đó, ông kết thân một cách bất đắc sĩ với sợi dây xích được con trai mình quấn quanh chân ông, đầu sợi dây xích cột vào chái bếp.
Xem toàn bộ bài viết

05/04/2012 / Ngo's blog

Và Ngo’s đã trở lại….

Bạn đọc nói trên facebook, muốn Ngo’s chuyển thêm các bài viết mới lên wordpress.

Lâu rồi, Ngo’s không chuyển bài tại trang này. Thi thoảng vào, vẫn thấy lượng truy cập của những người yêu mến (hoặc không yêu mến) Ngo’s tăng lên.

Như là một cách cảm ơn tất cả. Ngo’s sẽ thường xuyên post lại các bài viết của mình tại ngonguyethuu.wordpress.com. (Bài viết chưa được biên tập, file thô. Có lúc, sai lỗi chính tả trong quá trình viết, bạn đọc lượng thứ – NNH).

BẠC ĐẮNG LÒNG NHAU

 Vụ án cũng đơn giản thôi, nhưng đọc xong, lại thấy lòng buồn bã vô hạn. Vẫn biết, con kiện cha, chồng kiện vợ, anh kiện em… hoặc con giết cha, cha giết con, con mưu sát mẹ, anh em hợp lực đuổi cha mẹ ra đường… đáng tiếc, đã không còn là chuyện quá cá biệt ở thời điểm hiện tại.

Vẫn day dứt với câu hỏi không hồi đáp, một khi huyết thống nhạt nhòa, thì người ta bấu víu vào đâu để đòi lại niềm tin do chính mình đánh mất(?!).
Xem toàn bộ bài viết